Xuất thân từ một gia đình có truyền thống kinh doanh buôn bán nhỏ tại Hội An, ba mẹ là người kinh doanh nên hầu hết chuyện học hành của Tiến đều để cậu tự giác. Mặc dù vậy, mỗi khi có những quyết định quan trọng, Tiến luôn được ba mẹ ủng hộ hết mình. Điều này khiến cậu vô cùng biết ơn.
“Cũng giống như khá nhiều học sinh lớp 12, việc chọn nghề nghiệp cho tương lai là một vấn đề khó khăn, nhiều thử thách. Khi chưa xác định được đam mê cho cuộc đời, thì thuận theo xu thế và trào lưu cũng là một quyết định thức thời” – Tiến nói. Cho tới nay, Tiến cho biết nếu phải chọn lại thì cậu vẫn theo đuổi ngành học này.
“Điều làm mình cảm thấy thú vị nhất khi theo học ngành này là được tham gia các chuyến thực địa, đào tạo chuyên môn cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Ngoài ra, còn được tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực và du lịch cộng đồng ở các vùng miền núi khi có cơ hội đi công tác”.
Đỗ Phú Tiến trong một chuyến đi thực địa. Ảnh: NVCC
Chính vì từng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến bảo tồn, lâm nghiệp, các khóa trao đổi ngắn hạn tại nước ngoài, hội thảo quốc tế… khi còn là sinh viên đã giúp Tiến thành công trong việc chinh phục học bổng danh giá Erasmus Mundus.
Cuộc sống thú vị của chàng trai 9X
Trong 4 năm học Đại học Lâm nghiệp, ngoài thời gian trên giảng đường, Tiến đã thử sức và trúng tuyển nhiều chương trình trao đổi ngắn hạn và nhiều chương trình tình nguyện liên quan đến ngành học như các chuyến đi thực địa đến Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Cát Bà, Vườn quốc gia Xuân Sơn…
Đỗ Phú Tiến và các bạn trong một chuyến đi thực địa tại Indonesia. Ảnh: NVCC
Tiến cũng tham gia chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo do tổ chức IUCN tài trợ năm 2017; học bổng chương trình tập huấn bảo tồn thú linh trưởng tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh; được học tập tại Indonesia khi giành học bổng toàn phần của Khoa Lâm nghiệp – Trường ĐH Gadjah Mada.
Theo lời Tiến, những chuyến đi này vô cùng quý giá khi cậu được tìm hiểu về giá trị tài nguyên rừng, trải nghiệm lội suối, băng rừng, cùng đắm mình với những thác nước tuyệt đẹp…
“Erasmus – 730 ngày Du và Học”
Tiến cho biết bắt đầu tìm hiểu học bổng ngành Lâm nghiệp và Môi trường từ cuối năm thứ ba đại học. Cuối cùng, 9X lựa chọn Erasmus Mundus do Liên minh Châu Âu tài trợ để ứng tuyển.
“Học bổng Erasmus Mundus thuộc loại học bổng tài năng (Merit-based) nên yếu tố học thuật chiếm phần lớn tiêu chí. Năm 2018, khi mới ra trường, hoạt động về nghiên cứu, học thuật của mình còn yếu nên hồ sơ không cạnh tranh so với các ứng viên khác. Nhưng mình vẫn muốn thử lại. Trong hai năm tiếp theo, mình đã cải thiện về kĩ năng tiếng Anh, nâng cao kiến thức học thuật bằng cách tham gia các khóa học online liên quan đến ngành học”.
Với sự kiên trì, được thầy cô và lãnh đạo ở cơ quan viết thư giới thiệu cùng với kinh nghiệm tham gia các hoạt động ngoại khóa trước đó, ở lần thứ hai ứng tuyển, Tiến đã thành công. Cậu trúng tuyển Chương trình Thạc sĩ Lâm nghiệp theo học bổng Erasmus Mundus với mức hỗ trợ toàn phần gần 50.000 euro (hơn 1,3 tỷ đồng).
Có được thành quả này, Tiến còn vô cùng biết ơn các thầy cô, các giáo sư ở Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, những đồng nghiệp ở Dự án Trường Sơn Xanh, Giáo sư Dương Quang Trung và các bạn giành học bổng Erasmus Mundus khóa trước đã tận tâm giúp đỡ, là động lực vững mạnh cho cậu tiếp bước.
Tiến và các tình nguyện viên tham gia chương trình bảo tồn rùa biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Ảnh: NVCC
Trích từ nguồn: