Yêu cầu cấp bách
Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đều đã xây dựng vườn thực vật (VTV) quốc gia. Ở Anh, VTV quốc gia nước này được thành lập từ năm 1840 với tổng diện tích 121 ha, bao gồm 30.000 loài thực vật sống khác nhau và trên 7 triệu mẫu cây khô (trong VTV Kew có các viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo, trung tâm du khách…).
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng lãnh đạo Bộ KH-CN kiểm tra rừng thực nghiệm tại Trường ĐH Lâm nghiệp
Tại Trung Quốc, VTV quốc gia Hoa Nam được thành lập năm 1929 với tổng diện tích 330 ha, sưu tập lên tới 13.000 loài thực vật (Phòng tiêu bản thực vật, các viện đào tạo và nghiên cứu; các vườn lan, cây thuốc, vườn tre nứa, vườn ngọc lan, chè…), hàng năm đào tạo hàng trăm tiến sĩ về phân loại thực vật trong và ngoài nước…
Ở nhiều nước Đông Nam Á, VTV quốc gia cũng đã được thành lập từ lâu đời và đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ với vai trò bảo tồn tài nguyên thực vật mà còn phục vụ nhu cầu nghiên cứu, du lịch, quảng bá hình ảnh thiên nhiên ra bạn bè quốc tế. Tiêu biểu phải kể tới VTV quốc gia Bogor của Indonesia được thành lập từ năm 1917 trên tổng diện tích 87 ha, gồm 17.000 loài thực vật (trong đó có viện nghiên cứu, bảo tàng thực vật, trung tâm du khách, các phân khu phong lan, cây thuốc, cây bản địa…). VTV quốc gia của Singapore thậm chí được thành lập từ năm 1859 với tổng diện tích 74 ha, là nơi nghiên cứu và bảo tồn hơn 30.000 loài thực vật, nhất là trưng bày hoa lan nhiệt đới lớn nhất thế giới với 1.000 loài phong lan thuần chủng và 2.000 loài lan lai tạo…
Việt Nam hiện là một trong 10 trung tâm dự trữ sinh học lớn của thế giới với nhiều loài động thực vật, trong đó có nhiều loài có giá trị bảo tồn cao. Theo IUCN (Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế), Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc hơn 2.256 chi, 305 họ (chiếm 4% tổng số loài, 15% tổng số chi, 57% tổng số họ TV trên thế giới). Mặc dù hiện nay, cả nước đã thành lập 164 khu rừng đặc dụng với diện tích gần 2,1 triệu ha, tuy nhiên các khu rừng này chỉ sở hữu những thực vật theo nhóm vùng miền riêng mà chưa có VTV quốc gia có tính đại diện cho đa dạng thực vật của toàn quốc. Vì vậy, việc xây dựng VTV quốc gia là vấn đề hết sức cần thiết trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.
Hai bộ ủng hộ chọn ĐH Lâm nghiệp
Nhằm khẩn trương đánh giá tính khả thi để lựa chọn địa điểm xây dựng VTV quốc gia, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN đã trực tiếp có chuyến thị sát, kiểm tra thực trạng cơ sở vật chất, nhất là diện tích rừng thực nghiệm tại Trường ĐH Lâm nghiệp.
Với trên 300 loài thực vật bản địa đã được sưu tầm và trồng từ năm 1984 đến nay, Trường ĐH Lâm nghiệp hội đủ điều kiện để xây dựng VTV quốc gia
Sau khi được tham quan khu rừng thực nghiệm và nghe báo cáp về Dự thảo Dự án Xây dựng Vườn thực vật quốc gia tại Trường ĐH Lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: Bộ KH-CN hoàn toàn ủng hộ Trường ĐH Lâm nghiệp trong việc thực hiện Dự án Xây dựng Vườn thực vật Quốc gia thuộc “Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1671/QĐ-TTg bởi tính đầy đủ về cơ sở pháp lý, quy mô diện tích đất đai và trình độ, số lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn. Theo ông Khánh, khu rừng thực nghiệm với diện tích trên 150 ha tại Trường ĐH Lâm nghiệp đã cơ bản hội tụ đủ về điều kiện để tiến tới cải tạo, bổ sung thành VTV quốc gia, bởi số lượng cây bản địa tại đây hiện đã được sưu tập khoảng gần 300 loài. Đây là diện tích rừng đã được nhiều thế hệ cán bộ, sinh viên nhà trường thu thập trên cả nước và trực tiếp trồng, chăm sóc và bảo vệ suốt từ năm 1984 tới nay.
Để thực hiện được Dự án này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị Trường ĐH Lâm nghiệp cần nhanh chóng Xây dựng một Đề án chi tiết về Vườn thực vật quốc gia; làm rõ lộ trình xây dựng Vườn thực vật quốc gia đảm bảo đáp ứng mục tiêu đặt ra và gắn liền với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế của Nhà trường; thúc đẩy tiếp cận các nguồn vốn; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan để Dự án này được diễn ra theo đúng tiến độ.
Đồng quan điểm nhất trí cao chủ trương xây dựng VTV quốc gia tại Trường ĐH Lâm nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo thời gian tới, Trường ĐH Lâm nghiệp cần bổ sung đánh giá, so sánh thêm về bộ thực vật hiện có để so sánh với các VTV quốc gia của các nước trong khu vực nhằm làm rõ hơn về định hướng phát triển. Trong quá trình triển khai xây dựng đề án VTV quốc gia, nếu cần thiết có thể tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm.
Theo GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, bên cạnh lợi thế của trường là trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về lâm nghiệp, quản lý tài nguyên rừng của cả nước với đội ngũ đông đảo các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Trường ĐH Lâm nghiệp hiện có quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều VTV và viện nghiên cứu về thực vật nổi tiếng trên thế giới. Đối với diện tích vườn thực nghiệm của trường, hiện đã được xây dựng tường bao, có hệ thống giao thông, trạm dừng nghỉ, trạm cứu hộ động vật, hệ thống bể nước, hệ thống chống cháy rừng cùng nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu.
GS.TS Trần Văn Chứ cho rằng, về vị trí địa lí, trường ĐH Lâm nghiệp chỉ cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 50km, nằm ngay trên đường Hồ Chí Minh và kết nối với Hà Nội bằng đường cao tốc Nam Thăng Long nên rất thuận tiện cho hoạt động tham quan. “Qua tham khảo, để xây mới một VTV quốc gia với diện tích trung bình 100 ha, sẽ tốn kém tới vài nghìn tỉ đồng. Vì vậy với cơ sở vật chất hiện có, việc xây dựng khu rừng thực nghiệm của trường thành VTV quốc gia chỉ cần cải tạo thêm chứ không phải giải phóng mặt bằng hay làm từ đầu” – GS Chứ đánh giá. Bên cạnh việc phục vụ cho bảo tồn, du lịch, hợp tác quốc tế và quảng bá cho đất nước Việt Nam về đa dạng sinh học, ông Chứ cho rằng việc nâng cấp rừng thực nghiệm của trường thành VTV quốc gia là điều “nhất cử lưỡng tiện”, bởi đây cũng là điều kiện giúp nhà trường có thêm cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. |
Nguồn: