365 betting lối vào chính thức

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHẨM CHẤT NGƯỜI CÁN BỘ NHÂN DÂN

Trong Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy toát lên một khía cạnh tư tưởng hết sức sâu sắc: tư tưởng về người cán bộ nhân dân. Có thể nói, đó là sự kết lại cả một chiều dài suy ngẫm biết bao năm làm chính trị, giáo dục, tổ chức, lãnh…

Trong Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, ta thấy toát lên một khía cạnh tư tưởng hết sức sâu sắc: tư tưởng về người cán bộ nhân dân. Có thể nói, đó là sự kết lại cả một chiều dài suy ngẫm biết bao năm làm chính trị, giáo dục, tổ chức, lãnh đạo, rèn luyện cán bộ dưới chế độ mới. Thực ra, trong tư tưởng của mình, Người đã nhiều lần đề cập đến cán bộ, công tác cán bộ, song với Di chúc những quan điểm tư tưởng đó lại mang một bình diện ý nghĩa khác. Di chúc là lời căn dặn của một người đang gánh trên vai mình phận sự lớn lao, ý thức được cái trách nhiệm nặng nề thiêng liêng trước dân tộc, trước quốc dân, đồng bào khi đã vào cái tuổi xưa nay hiếm, cái buổi gần đất xa trời; là tiếp tục khẳng định những phương hướng tương lai cho dân tộc Việt Nam.
Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Những dòng ngắn gọn trên đây đã trực tiếp nêu lên yêu cầu về phẩm chất đạo đức, yêu cầu về trách nhiệm của người cán bộ trước nhân. Đây dường như không còn là một lời căn dặn thông thường mà là một mệnh lệnh, có sức hiệu triệu xúc cảm và trí tuệ con người, của mỗi cán bộ đảng viên, biểu hiện đạo đức nhân văn cộng sản cao đẹp.
Với hai câu trên, Người đã dùng đến ba động từ “phải”: “Phải thực sự thấm nhuần…”; “Phải giữ gìn…(…)…phải xứng đáng…”. Phải là một động từ có ý nghĩa cầu khiến, bắt buộc, một quy ước thuận chiều, không có chiều ngược trở lại, chỉ có hành động và hành động. Người cán bộ nhân dân theo yêu cầu của Hồ Chí Minh là những người thuấm nhuần đạo đức cách mạng. Mà “đạo đức cách mạng” như Người đã nhiều lần đề cập đó là đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đạo đức cách mạng là một kiểu loại đạo đức dựa trên nền tảng khoa học, đổi mới, sáng tạo và nhân văn, đạo đức cách mạng đó chính là đạo đức của nhân dân. Đạo đức cách mạng của người cán bộ nhân dân là thứ đạo đức khác xa với đạo đức phong kiến bảo thủ, một chiều, áp đặt. Trong truyền thống phong kiến, tầng lớp thống trị nêu lên tư tưởng: quan phụ mẫu chi dân (Quan là cha mẹ của dân). Mới nghe qua, cứ ngỡ là thú vị, nhưng trong đạo đức phong kiến, thì các bậc phụ mẫu ấy (tức quan lại) không phải vì dân (con) mà là vì chính giai cấp thống trị, vì chính các ông quan ấy. Còn người cán bộ trong Di chúc của Hồ Chí Minh là hai thực thể trong mỗi một con người: (vừa là) người lãnh đạo, (vừa là) đầy tớ của nhân dân. Thoạt nghe, tưởng chừng là một mâu thuẫn nhưng suy xét mới thấy đó là một biện chứng của đời sống chính trị dưới xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, xét ở khía cạnh chức danh, vai trò thì cán bộ là người lãnh đạo, xét ở chức phận, nghĩa vụ thì cán bộ là người “đầy tớ” của nhân dân. Chúng tôi nghĩ rằng, “đầy tớ” đây chỉ là cách nói của Người, nhằm nhấn mạnh cái chức phận và nghĩa vụ ấy, chứ không có hàm nghĩa gì khác hơn.
Để trở thành người cán bộ nhân dân, mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự có được những phẩm chất rất cụ thể nhưng cũng rất khái quát: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Đó là những phạm trù đạo đức ít nhiều có nguồn gốc từ Nho giáo được Hồ Chí Minh sử dụng và thực hành trong đời sống sinh hoạt chính trị của mình. Theo các nhà nghiên cứu, đây là những phạm trù được Hồ Chí Minh đề cập nhiều nhất trong các bài viết bài nói của Người. Người cho rằng, các phẩm chất đó cũng là một lẽ tự nhiên của con người, và nếu thiếu một trong chúng, thì không thể thành người, (Trời có bốn mùa, đất có bốn phương, người có bốn đức)2
Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công vô tư là đạo đức của con người, với người cán bộ nhân dân lẽ dĩ nhiên phải thực hành đức ấy.
Cần tức là “Siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai” và quyết tâm vượt qua khó khăn để làm được việc. Cần phải đi đôi với chuyên. Cần là để nâng cao năng suất lao động.
Kiệm là “tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Cần với Kiệm đi đối với nhau như hai chân của một người. Cần kiệm hỗ trợ cho nhau, tăng năng suất lao động, tăng tích lũy.
Liêm là “trong sạch, không tham lam”; “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá.
Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ” 3
Liêm phải đi đối với Kiệm, bởi có Kiệm mới Liêm được. Tham lam là một điều rất xấu hổ. Cần, kiệm, Liêm còn là phẩm hạnh của một dân tộc: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”4.
Chính “nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”. Mà gốc rễ của Chính lại là Cần, kiệm, liêm. Một người phải cần, kiệm, liêm, nhưng còn phải chính mới là người hoàn toàn. Chính đối với mình là không tự cao, tự đại, luôn luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, phát triển điều hay và sửa chữa khuyết điểm của mình. Đối với người, phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ, không nịnh hót người trên, xem khinh người dưới. Phải để việc nước, việc công lên trên việc tư, việc nhà. Công việc dù to hay nhỏ đều phải cố gắng hoàn thành.
Về “Chí công vô tư”, Người yêu cầu cán bộ: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc”, “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “Phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư không phải chỉ rao giảng mà quan trọng phải thực hiện trong mỗi hành động, mỗi việc làm. Có như thế mới được thành công, mới được nhân dân hưởng ứng và làm theo. Thực hành tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư sẽ rèn luyện, làm cho con người nói chung, người cán bộ nói riêng có được bản lĩnh, “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
Hồ Chí Minh đã thấy được và chỉ ra mối quan hệ có tính nhân quả giữa cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư và lẽ tất nhiên muốn có quả tốt phải gieo nhân lành, trái lại phải diệt nhân ác. Người cho rằng: cần, kiệm, liêm chính tốt sẽ dẫn tới chí công vô tư, và chí công vô tư, một lòng vì dân, vì nước thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính. Người cán bộ chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”. Chí công vô tư là điều căn bản tạo nên chủ nghĩa tập thể, trái ngược với chủ nghĩa cá nhân. Do đó, thực hành chí công vô tư là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là một thứ vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: tham ô, lãng phí, hủ hóa, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, quan liêu mệnh lệnh…vì vậy, để phòng căn bệnh nguy hiểm đó, thì người cán bộ phải cần, kiêm liêm, chính, chí công vô tư. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là phương thuốc hữu hiệu nhất có thể kháng lại chủ nghĩa cá nhân.
Từ những quan điểm Hồ Chí Minh ta thấy, để trở thành người cán bộ nhân dân, mỗi cán bộ phải học và hành được các đức cần kiệm liêm chính chí công vô tư và thực sự, người cán bộ chỉ có thể trở thành người cán bộ nhân dân khi hội tụ được những đức ấy. Các phẩm chất đạo đức ấy có liên quan quy định lẫn nhau, tạo thành nhân cách, bản lĩnh người cán bộ, có như vậy cán bộ mới được dân tin, dân quý, dân ủng hộ, xứng đáng là “người lãnh đạo” và “đầy tớ” của “nhân dân”.
Người cán bộ để là cán bộ thực sự của nhân dân phải có đạo đức cách mạng, song theo Người, đễ có đạo đức cách mạng không dễ dàng gì, bởi: đạo đức cách mạng không tự trên trời rơi xuống mà là do có một quá trình rèn luyện bền bĩ hàng ngày mới có được. Người cũng dạy thấm thía rằng để là công bộc của dân là một bài học suốt đời cần phải khắc ghi, phải học suốt cả đời: “Làm cán bộ là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”5
Bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương lãnh tụ sáng ngời về Cần, về Kiệm, về Liêm, về Chính, về đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân, trọn một đời tận tụy cống hiến vì nhân quần xã hội. Và chính vì lối sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư đã nhân lên sự vĩ đại trong con người Hồ Chí Minh. Vĩ đại của sự giản dị, ngay cả khi đứng ở vị trí cao nhất của một đảng, một đất nước. Điều này đã được khẳng định trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969: “Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ Tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị”.
Tại sao, đề cập đến cán bộ, công tác cán bộ, Hồ Chí Minh luôn gắn liền với Đảng? Theo Người, vì Đảng ta là đảng cầm quyền, tổ chức rèn luyện và lãnh đạo cán bộ “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”6 và “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”7. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, không có cán bộ chung chung mà cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc phát hiện đào tạo, sử dụng cán bộ là công việc căn bản của Đảng. Cán bộ hoạt động là để phục vụ và góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu lợi ích của Đảng và đó chính là mục tiêu, lợi ích của toàn thể nhân dân và dân tộc.
40 năm từ ngày Người rời xa chúng ta cũng là 40 năm toàn dân thực hiện Di chúc thiêng liêng của người. Nhiều Hội thảo khoa học đã tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Di chúc, đã khẳng định những kết quả chúng ta làm được và cũng đã chỉ ra những thiếu sót về nhiều mặt của chúng ta trong đó có công tác cán bộ. Gần đây, Kết luận của Hội nghị Trung ương chín khóa X về việc tiếp tục thực hiện8 “Chiến lược công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, đã đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” trong hơn mười năm qua. Báo cáo của Hội nghị đã có nhận định, đánh giá về phẩm chất cán bộ. Hội nghị cho rằng, số đông cán bộ vẫn kiên định, giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, gần gũi với nhân dân. Tuy nhiên, còn tồn tại tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém, bất cập; cơ cấu đội ngũ cán bộ vẫn mất cân đối, thiếu đồng bộ, chưa hợp lý.
Ban Chấp hành Trung ương Khóa X tiếp tục đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng của các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn là: Quán triệt sâu sắc các quan điểm và mục tiêu về xây dựng đội ngũ cán bộ; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có kết quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ; tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng bộ máy và con người làm công tác tổ chức, cán bộ.
Những chương trình đã làm và những mục tiêu đề cập trên đây đó chính là sự tiếp tục hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về người cán bộ nhân dân trong điều kiện mới.

1. 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.280.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5; tr.631.
3. Sđd, t.5, tr.252.
4. Sđd, t.5, tr.642.
5. Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, t.12. tr.555.
6. sđd, tập 5, tr.269.
7. Sđd, tập 5, tr.273
8. Ban Tuyên giáo TƯ: Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết và các văn bản kết luận của Hội nghị TƯ 9 khóa X, Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2009.